Trở lại (Back)
  ’’Bửu bối’’ của mẹ (-B)
Hạnh Phúc Gia Ðình Xin bấm vào đây để in trang này ra  
 
Ngày tôi lấy chồng, mẹ tôi trao cho tôi một cuốn sổ ca-rô cũ kỹ với lời dặn dò: “Con cứ làm theo những gì mẹ ghi trong đó rồi con sẽ hiểu ý mẹ muốn gì”.

Thì ra đó là cuốn sổ theo dõi việc chi tiêu của gia đình tôi từ hồi nào tới giờ, tôi còn lạ gì, thậm chí tôi còn nhớ rất rõ những gì mẹ tôi ghi trong đó vì lúc còn ở nhà với mẹ, thỉnh thoảng tôi vẫn hay lén giở cuốn sổ ấy ra xem. Trong đó mẹ tôi chia thành nhiều cột, cột “thu” chia làm hai - một của mẹ, một của ba, phản ánh thu nhập của mỗi người, cột “chi” cũng chia làm hai, một của mẹ, một của ba, phản ánh việc chi tiêu của mỗi người; ngoài ra còn có hai cột “tồn tháng trước” và “tồn cuối tháng”, nhìn vào đó có thể biết rõ tình hình thu - chi trong tháng của gia đình tôi. Có những tháng, cột “thu” của ba hoặc mẹ chẳng có gì, mẹ nói đó là những lúc ba hoặc mẹ bị thất nghiệp nên không có thu nhập. Bù lại, có những tháng cột này ghi nhiều khoản khác nhau do ba tôi ngoài lương ở công ty còn có những khoản làm thêm ở ngoài. Mẹ tôi cũng vậy, thỉnh thoảng mẹ vẫn nhận dịch thêm báo nước ngoài hay tài liệu để tăng thu nhập.

Mẹ tôi nói nhờ cuốn sổ ấy mà tình hình tài chính trong gia đình không bao giờ rơi vào tình trạng “khủng hoảng” do có thể cân bằng giữa “lạm chi” hoặc “thất thu”. Mẹ nói, khi mới cưới nhau về, ba tiêu xài rất dữ, bạn bè nhiều nên ba luôn có những khoản chi cho việc nhậu nhẹt, cà phê và nhiều thứ linh tinh khác. Nhiều lúc túng thiếu, hai người bắt đầu cãi nhau. Rồi mẹ nghĩ ra việc ghi chép trong cuốn sổ này, mẹ ghi rất kỹ, trong đó tôi thấy có những khoản chi từ ăn uống, mua sắm đến hiếu hỉ...

Cuối tháng mẹ và ba cùng kiểm tra lại sổ, ba bỗng nhận ra mình tiêu xài cho nhiều khoản vô ích quá dù gia đình không được dư dả mấy nên tự động “cắt” bớt các khoản chi bên ngoài dù mẹ không phàn nàn gì. Nhờ cuốn sổ đó mà ba mẹ cũng không còn cãi nhau nữa vì mỗi người đều tự giác nhận thức được việc chi tiêu của mình, từ đó bỗng trở nên hợp tác với nhau trong việc làm tăng “ngân sách” gia đình.

Khi tôi đưa cho chồng tôi xem cuốn sổ, anh lo ngại: “Vợ chồng mà tính toán với nhau chi li như thế thì còn gì tình cảm?” Nhưng tôi cứ làm một cuốn sổ riêng cho mình và cũng ghi chép hệt như mẹ tôi từng làm. Một thời gian sau, nhận thấy cuốn sổ rất có ích trong việc quản lý ngân quỹ trong gia đình, anh lại gật gù: “Công nhận mẹ em chí lý thật!” Bởi vậy, chỉ vì biết cách kiểm soát tiền bạc và tích lũy nên bất cứ lúc nào cần, chúng tôi cũng có thể hỏi mượn mẹ tôi một số tiền nào đó dù mẹ tôi không phải là người giàu có.

Ngẫm lại, tôi mới hiểu được “thâm ý” của mẹ khi trao lại cho tôi cuốn sổ ấy. Cho đến giờ, khi đã sống bên chồng được nhiều năm, tôi vẫn còn lưu giữ cuốn sổ như một “bửu bối”. Cuốn sổ của vợ chồng tôi hiện giờ có hiện đại hơn, đó là những tờ giấy được đánh máy vi tính rõ ràng và đóng lại thành tập. Đối với tôi, đó không chỉ là một phương pháp thuận tiện để theo dõi chi tiêu mà còn là một trong những “bí quyết” bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Nguồn: Ngọc Vi
Ca/đồng dao & thơ Cùng bé ca hát Cùng chơi với bé Hạnh phúc gia đình
Kể chuyện bé nghe Phòng tranh Sổ tay phụ huynh Sức khỏe/dinh dưỡng